Thông liên thất là một trong những bệnh lý về tim phổ biến và thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường có những biểu hiện cụ thể trong khoảng thời gian đầu tiên trẻ sinh ra và có thể hết dần sau đó.
Bệnh thông liên thất có nguy hiểm không?
Tim người gồm 4 ngăn, tâm thất trái, tâm thất phải, tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải và được ngăn cách bằng các vách ngăn. Đối với tâm thất đó là vách liên thất có cấu tạo phức tạp bao gồm nhiều thành phần như cơ, màng, phần phễu và phần buồng nhận. Thông thường, phần vách ngăn tâm thất này không có lỗ hay bất cứ cấu tạo nào cho phép hai tâm thất thông với nhau.
Tuy nhiên, thông liên thất lại là tình trạng xuất hiện lỗ thông tại vách ngăn này và dẫn tới máu ở hai ngăn tâm thất trái và tâm thất phải chảy lẫn sang nhau, khiến cho tim phải hoạt động nặng nhọc hơn.
Thông liên thất thường xảy ra trong quá trình hình thành tim của thai nhi và có thể đi kèm theo các dị tật về tim khác. Hiện nay, chưa thể xác định chính xác nguyên nhân nhân gây bệnh thông liên thất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng việc mẹ bị nhiễm trùng hay sử dụng một số loại thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc tiếp xúc với một số hóa chất, tia xạ.. có thể gây ra tình trạng này. Đặc biệt, những trường hợp thai phụ nghiện rượu thường có nguy cơ khiến thai nhi bị thông liên thất cao hơn.
Sự nguy hiểm của bệnh thông liên thất gây ra cho sức khỏe của trẻ tùy theo từng mức độ của bệnh. Đối với những trường hợp lỗ thông nhỏ, tỉ lệ chúng tự đóng lại khi các trẻ lớn hơn lên đến 75%. Tuy nhiên, khi các lỗ thông có kích thước lớn và số lượng nhiều hơn, cần có biện pháp điều trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như nhiễm trùng hô hấp kéo dài, thể chất chậm phát triển, suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tăng áp lực động mạch phổi.. thậm chí có thể gây ra tử vong.
Nên làm gì khi trẻ bị thông liên thất
Do đó, khi thấy xuất hiện những triệu chứng điển hình của thông liên thất như khó thở, nhịp tim nhanh, trẻ nhạy cảm với các bệnh về đường hô hấp. Các bậc cha mẹ nên cảnh giác và đưa con thăm khám và điều trị kịp thời. Đối với những trường hợp lỗ thông nhỏ, số lượng ít chỉ cần quan sát thường xuyên và đều đặn để xem chúng có tự đóng lại hay không và việc làm này không thể tự thực hiện mà cần tới sự hỗ trợ của bác sĩ. Ở mức độ nặng hơn, trẻ có nhiều dịch phổi, các bác sĩ sẽ cho uống thuốc để tránh khỏi dịch thừa. Trong trường hợp có nhiều lỗ hổng to trên vách ngăn tâm thất, cần thực hiện phẫu thuật để đóng lại như: Phương pháp phẫu thuật kết hợp can thiệp nội mạch, thủ thuật Catheter..
Để tránh nguy cơ trẻ mắc phải bệnh thông liên thất, thai phụ nên lưu ý hơn tới chế độ ăn uống, sinh hoạt như sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin, không uống rượu, tập thể dục thường xuyên, tránh các nguy cơ nhiễm trùng và kiểm soát bệnh đường tiểu trong trường hợp không may gặp phải. Thông liên thất có thể được phát hiện khi bác sĩ lắng nghe nhịp tim của trẻ, làm điện tâm đồ hoặc siêu âm để kiểm tra tim kỹ hơn.
Trên đây là một số thông tin về bệnh thông liên thất và những nguy hiểm mà bệnh lý này có thể gây ra cho trẻ nhỏ. Hy vọng qua những chia sẻ này, sẽ giúp các bậc cha mẹ yên tâm hơn và có cách xử lý kịp thời khi thấy con mình có những triệu chứng và biểu hiện của bệnh.
Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị suy dinh dưỡng là do đâu?