Tôi 31 tuổi, đã có gia đình. Gần đây tôi thấy tinh hoàn bên trái của mình đột ngột sưng đỏ kèm theo đau vùng bìu bên trái. Tôi lo lắng và đi khám và được chẩn đoán là xoắn tinh hoàn. Xin hỏi bác sĩ, xoắn tinh hoàn là bệnh gì, cách điều trị
Thế nào là xoắn tinh hoàn?
Tinh hoàn là một cơ quan quan trọng của nam giới có chức năng sản xuất ra tinh trùng, đồng thời tiết hormon sinh dục nam (chủ yếu là testosteron), quyết định giới tính nam và điều khiển hoạt động của hệ sinh dục nam giới. Một trong những vấn đề thường gặp ở tinh hoàn đó là xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn có thể gặp cả ở nam giới trưởng thành hay trẻ sơ sinh, dậy thì… bệnh lý này xảy ra khi thừng tinh (cuống của tinh hoàn) bị xoay, xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ phần mạch máu đến tinh hoàn. Tinh hoàn đau và sưng đột ngột là do lưu lượng máu đến tinh hoàn giảm. Tình trạng này cần phải được cấp cứu ngoại khoa kịp thời, nếu không xử trí sớm và đúng cách, có thể dẫn đến hoại tử và phải cắt bỏ 1 bên tinh hoàn.
Bệnh nhân khi bị xoắn tinh hoàn thường có biểu hiện đau đột ngột hoặc âm ỉ ở một bên tinh hoàn; bìu bên xoắn sưng, hơi đỏ, đau khi chạm vào, mất phản xạ da bìu; tinh hoàn bên xoắn bị kéo lên trên so với bên còn lại, có người bệnh có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn là do thừng tinh bị xoắn, gây thiếu máu nuôi tinh hoàn.
Nguyên nhân gây nên tình trạng này ở từng trường hợp cụ thể có thể khác nhau. Tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn nhưng có yếu tố liên quan mật thiết tới vấn đề này đó là sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố trong cơ thể khi nam giới bước vào tuổi dậy thì, tinh hoàn di động, tổn thương ở tinh hoàn (do vận động, quan hệ tình dục)…
Làm thế nào khi bị xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là bệnh không quá hiếm gặp có thể cứu chữa kịp thời nếu bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4 – 6 giờ mà không để lại di chứng. Nếu tinh hoàn không hề hấn gì bác sĩ sẽ tháo xoắn thừng tinh, cố định tinh hoàn để nó không xoắn nữa.
Ngay cả cái hòn bên kia dù không bị sao cũng được bác sĩ khâu cố định với mục đích phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng nếu mổ trễ quá 6 giờ sau khi có triệu chứng rất nhiều khả năng tinh hoàn sẽ bị đen, chết, chỉ còn một cách là cắt bỏ.
Tuy nhiên bệnh nhân không nên lo lắng mặc cảm vì dù lẻ loi nhưng hòn bi còn lại vẫn phát triển bình thường và vẫn đáp ứng được nhiệm vụ duy trì nòi giống. Bạn nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm xoắn vùng tinh hoàn, tránh những biến chứng đáng tiếc ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.